Những thảo dược và vitamin 'đánh bay' cảm lạnh

Những thảo dược và vitamin 'đánh bay' cảm lạnh

Hoa cúc tím, quả cơm cháy đen, xuyên tâm liên, vitamin C, kẽm và tỏi giúp ngăn ngừa và điều trị cảm lạnh, có tác dụng chỉ sau vài ngày sử dụng.

Vào thời điểm giao mùa, rất nhiều người bị cảm lạnh. Đặc biệt khi thời tiết có chuyển biến đột ngột, nắng mưa thất thường khiến cơ thể mệt mỏi, làm sức đề kháng suy giảm.

Ngoài việc uống thuốc, có nhiều cách để ngăn ngừa và chữa bệnh cảm lạnh, ví dụ như việc ăn uống hàng ngày. Dưới đây là các thảo dược và vitamin giúp "đánh bay" cơn cảm lạnh.

Hoa cúc tím

Loại hoa được mệnh danh là vua của các loại thảo mộc miễn dịch, vừa ngăn ngừa và điều trị cảm lạnh. Cúc tím có khả năng giúp hệ thống miễn dịch được tăng cường. Trong nghiên cứu lớn nhất từng được thực hiện trên 673 người khỏe mạnh, những người sử dụng hoa cúc tím ít bị cảm lạnh và các triệu chứng cảm lạnh bớt hơn đáng kể. Vì vậy, nếu bạn bị cảm lạnh, hoa cúc tím sẽ giúp bạn khỏi bệnh nhanh hơn.

Cúc tím có thể hãm với nước nóng, sử dụng như trà và uống hàng ngày giúp ngăn ngừa cảm trong thời tiết lạnh.

Quả cơm cháy đen

Quả cơm cháy đen, thường mọc ở các nước Trung Âu, có chứa anthocyanins, hóa chất có nguồn gốc từ thực vật mang đặc tính kháng virus.

Trong một đánh giá của bốn thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, các chất bổ sung từ quả cơm cháy đen (bao gồm khoảng 12 đến 15% anthocyanins) được chứng minh là làm giảm thời gian cảm lạnh hoặc cúm khoảng hai đến bốn ngày, theo báo cáo trên tạp chí Liệu pháp Bổ sung Y học, năm 2018.

Siro chiết xuất từ quả cơm cháy giúp bảo vệ hệ miễn dịch và tăng cường sức khỏe.

Trong y học dân gian, quả khô hoặc nước ép được sử dụng để điều trị cúm, nhiễm trùng, đau thần kinh tọa, nhức đầu, đau răng, đau tim và đau dây thần kinh, cũng như thuốc nhuận tràng và lợi tiểu. Khi dùng, quả mọng có thể được nấu chín và được sử dụng để làm nước trái cây, mứt, tương ớt, bánh nướng và rượu cơm cháy. Hoa thường được đun sôi với đường để tạo thành xi-rô ngọt hoặc pha vào trà.

Xuyên tâm liên

Nằm trong top 5 loại thảo dược trị cảm nhưng xuyên tâm liên ít được biết đến hơn. Nghiên cứu cho thấy loại thảo dược này có tác ác dụng nhanh và hiệu quả, cải thiện đáng kể tình trạng sổ mũi và đau họng chỉ sau hai ngày. Bệnh ho, nhức đầu, nhức tai, mệt mỏi được cải thiện rõ rệt. Một số nghiên cứu cho thấy xuyên tâm liên chống cảm lạnh và viêm xoang tốt hơn cả thuốc.

Bộ phận dùng để làm thuốc là toàn thân trên mặt đất của cây xuyên tâm liên. Sau khi thu hái thì cắt ngắn và phơi, sấy khô để bảo quản. Khi cây vừa ra nụ là có thể thu hoạch toàn bộ cây. Đối với những trường hợp lấy hạt làm giống, cây sẽ được để già và thu hoạch khi bắt đầu vàng úa, nếu để quá lâu hạt sẽ khô và rơi ra.

Ngoài ba thảo dược kể trên, khi bị cảm lạnh, chúng ta có thể chú ý bổ sung các vitamin và khoáng chất sau để giúp cơ thể chống chọi lại bệnh tật.

Vitamin C

Vitamin C được mệnh danh là "máy bay chiến đấu" trong trận chiến với bệnh cảm lạnh. Khi bạn dùng khoảng 500 mg vitamin C mỗi ngày, bạn sẽ ít bị cảm lạnh hơn 66%. The nghiên cứu gần đây, nếu dùng khoảng 1-8 mg vitamin C hàng ngày sẽ làm giảm 23% thời gian và mức độ nghiêm trọng của cảm lạnh.

Theo thông tin tổng hợp từ 9 nghiên cứu khác, bổ sung thêm vitamin C thường xuyên sẽ rút ngắn thời gian bị cảm lạnh đáng kể 56% và làm giảm đáng kể các triệu chứng, bao gồm cả tức ngực, đau, sốt và ớn lạnh.

Nước ép cam tươi nhiều vitamin C giúp tăng đề kháng, phòng nhiều bệnh. Ảnh: Rawfoodsolution.

Nước ép cam tươi nhiều vitamin C giúp tăng đề kháng, phòng nhiều bệnh. Ảnh: Rawfoodsolution.

Vitamin C chứa nhiều trong các loại quả họ nhà cam nên bạn có thể bổ sung vitamin C hàng ngày bằng cách ăn loại quả này. Nó sẽ giúp bạn phòng tránh được cơn cảm lạnh và làm giảm mức độ nghiêm trọng của triệu chứng khi mắc bệnh.

Kẽm

Kẽm thường được nhiều người sử dụng để chữa các trường hợp cảm lạnh thông thường. Một số nghiên cứu cho thấy rằng uống 13-23 mg viên ngậm kẽm cứ sau 2 giờ thức dậy sẽ giúp đẩy lùi cảm lạnh trong khoảng 4 ngày so với 7-11 ngày khi dùng thuốc. Một đánh giá của nghiên cứu cho thấy rằng khi sử dụng ít nhất 75 mg viên ngậm kẽm mỗi ngày, mọi người sẽ khỏe hơn nhanh hơn đáng kể. Ngoài ra, khi bổ sung kẽm người ta cũng thấy số lượng triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên ở trẻ em giảm đi.

Kẽm là một khoáng chất cần thiết cho sức khỏe, có nhiều trong các loại thịt đỏ (thịt lợn, thịt bò), các loại hạt khô, sữa, trứng... Bổ sung kẽm hàng ngày vào trong bữa ăn không chỉ giúp chữa cảm lạnh mà còn hỗ trợ quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng, duy trì hệ thống miễn dịch, phát triển và sửa chữa các mô cơ thể.

Men vi sinh và tỏi

Men vi sinh không chỉ giúp chống lại cảm lạnh mà còn giúp bạn phục hồi sau nhiễm trùng đường hô hấp nhanh hơn đáng kể. Khi bạn dùng men vi sinh trong ít nhất một tuần, bạn sẽ ít bị nhiễm trùng đường hô hấp, bao gồm cả bệnh cảm lạnh thông thường.

Ngoài ra, tỏi cũng có tác dụng trong việc chữa cảm lạnh. Dùng khoảng 2,5 gram chiết xuất tỏi già mỗi ngày làm giảm đáng kể mức độ nghiêm trọng của cảm lạnh và cúm. Nếu bạn không thể ăn tỏi sống hay uống nước tỏi, hãy thêm tỏi vào các món xào trong bữa ăn của mình như xào rau muống, rau bí hay có thể làm tỏi đen ăn hàng ngày. Điều đó sẽ rất tốt cho sức khỏe.

Doãn Hùng (Theo SCMP, Epoch Times)