Loại vi khuẩn có thể gây ung thư dạ dày mà nhiều người Việt bị nhiễm

Loại vi khuẩn có thể gây ung thư dạ dày mà nhiều người Việt bị nhiễm

Ung thư dạ dày đứng thứ 3 trong các bệnh ung thư thường gặp. Bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa, nhận biết sớm và điều trị hiệu quả nếu phát hiện ở giai đoạn đầu.

Ung thư dạ dày là một trong những bệnh ung thư thường gặp ở cả hai giới. Theo Globocan 2018, tại Việt Nam có thêm 17.527 ca mắc mới và 15.065 người tử vong vì căn bệnh này.

Nguy cơ ung thư dạ dày từ vi khuẩn H.P

Vi khuẩn Helicobacter pylori (H.P) là một vi khuẩn hình que, sống trong môi trường có không khí, có một túm lông ở một đầu, nhờ những lông này mà vi khuẩn có thể chuyển động được. Vi khuẩn H.P đã được tìm thấy ở trong dạ dày của người vào năm 1982 bởi hai nhà bác học người Úc là Barry Marshall và Robin Warren. 

ung_thu_1

Nhấn để phóng to ảnh

Tỉ lệ nhiễm vi khuẩn H.P trong cộng đồng người Việt lên đến 70%. Đây là loại khuẩn có vai trò chính trong viêm dạ dày cấp và mãn tính, loét dạ dày tá tràng và ung thư dạ dày.

Vi khuẩn H.P là loại vi khuẩn sinh sống được ở trong môi trường axit đậm đặc như dạ dày con người. Vi khuẩn này có đến 200 loại khác nhau, không phải loại nào cũng gây ra các ảnh hưởng tiêu cực đến dạ dày cho người nhiễm. Thực tế, chỉ có những loại vi khuẩn mang gen CagA mới gây ra viêm loét dạ dày tá tràng.

Năm 1994 Tổ chức Y tế Thế giới chính thức xếp vi khuẩn H.P là nguyên nhân gây ung thư dạ dày. Nhiễm vi khuẩn H.P gây ra tình trạng viêm mãn tính tại niêm mạc dạ dày. Viêm mãn tính lâu ngày làm giảm và mất các tuyến bình thường của dạ dày thay thế vào đó là tổ chức xơ hay còn gọi là viêm teo, niêm mạc bình thường được thay thế bằng biểu mô niêm mạc ruột hay còn gọi là dị sản ruột.

Tình trạng viêm teo niêm mạc dạ dày và dị sản ruột gặp khoảng 50% số trường hợp bị nhiễm H.P. Chính tình trạng viêm teo mãn tính nặng và dị sản ruột dẫn tới xuất hiện ung thư dạ dày. 

Các giai đoạn của ung thư dạ dày

Người ta chia ung thư dạ dày làm nhiều giai đoạn, càng phát hiện sớm, tiên lượng điều trị càng khả quan.

ung_thu_2

Nhấn để phóng to ảnh

- Giai đoạn 0: Khối u chỉ được tìm thấy trong lớp niêm mạc của thành dạ dày. Giai đoạn này còn được gọi là ung thư biểu mô. Lúc này có thể can thiệp điều trị ung thư dạ dày qua nội soi, nhẹ nhàng, bằng cách hớt lớp niêm mạc của thành dạ dày.

- Giai đoạn 1: Khối u chỉ xâm lấn vào lớp thứ hai của thành dạ dày phần dưới niêm mạc tuy vậy vẫn chưa xuất hiện các triệu chứng rõ rệt và chưa lây lan ra các cơ quan khác.

- Giai đoạn 2: Khối u chỉ xâm lấn lớp dưới niêm mạc. Các tế bào ung thư không lây lan đến hạch bạch huyết và các cơ quan khác.

- Giai đoạn 3: Khối u đã xâm lấn lớp dưới niêm mạc và lớp cơ hoặc khối u đã xâm lấn vào các cơ quan lân cận như gan, đại tràng, hoặc lá lách. Các tế bào ung thư không lây lan đến hạch bạch huyết và các bộ phận ở xa.

- Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn cuối của bệnh ung thư dạ dày. Lúc này tế bào ung thư đã di căn khắp cơ thể và hầu như không còn cơ hội chữa trị.

Tầm soát ung thư dạ dày định kỳ rất quan trọng để phát hiện nguy cơ bị ung thư dạ dày. Việc phát hiện sớm ung thư dạ dày hay ung thư đường tiêu hóa nói chung có thể tăng cơ hội điều trị, kéo dài sự sống cho người bệnh.

Phòng ngừa ung thư dạ dày

- Ăn nhiều rau và trái cây: Bạn hãy đảm bảo mỗi bữa ăn bao gồm nhiều trái cây tươi và rau quả. Điều đó có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày.

- Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến nghị chọn cá, thịt gia cầm hoặc đậu, thay vì thịt chế biến sẵn hoặc thịt đỏ và ngũ cốc nguyên hạt thay vì ngũ cốc tinh chế.

- Cắt giảm thực phẩm hun khói: Một lượng lớn muối và chất bảo quản có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày và khiến bạn dễ bị ung thư dạ dày. Vì vậy, hãy hạn chế thực phẩm hun khói và ngâm chua, bao gồm cả thịt và cá ướp muối.

- Thay đổi thói quen không tốt cho cơ thể: Hút thuốc lá khiến bạn có nguy cơ mắc nhiều loại ung thư, bao gồm cả ung thư dạ dày. Nếu cần giúp đỡ bỏ thuốc lá, hãy tìm đến sự tư vấn của bác sĩ. Bên cạnh đó, cũng tránh khói thuốc thụ động của người khác.

- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục và các môn thể thao có thể làm giảm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư khác nhau và các vấn đề sức khỏe khác

- Kiểm tra cân nặng: Những người thừa cân có thể dễ bị ung thư dạ dày. Nếu bạn không chắc liệu cân nặng của mình có trong mức khỏe mạnh hay không, hãy hỏi bác sĩ.

Minh Nhật

Tổng hợp